Rừng xưa đã khép – Trịnh Công Sơn

Tặng Tuấn mập,fan Trịnh, ở Vô Thường Ta thấy em trong tiền kiếp, với cọng buồn cỏ câyTa thấy em đang ngồi khóc, khi rừng chiều đổ mưaRừng thu lá úa, em vẫn chưa vềRừng thu lá cuốn, em vẫn bơ vơ Ta thấy em trong tiền kiếp với mặt trời lẻ loiTa thấy em…


Tặng Tuấn mập,fan Trịnh, ở Vô Thường

Ta thấy em trong tiền kiếp, với cọng buồn cỏ cây
Ta thấy em đang ngồi khóc, khi rừng chiều đổ mưa
Rừng thu lá úa, em vẫn chưa về
Rừng thu lá cuốn, em vẫn bơ vơ

Ta thấy em trong tiền kiếp với mặt trời lẻ loi
Ta thấy em đang ngồi hát, khi rừng về, nhiều mây
Rừng thu thay lá mưa bay buồn rầu
Rừng đông buốt giá mưa bay dạt dào

Ta vẫn mong, ta chờ mãi trên từng ngày quạnh hiu
Ta vẫn mong, em về đây, cho đời đầy cuộc vui
Mùa xuân đã đến em hãy quay về
Rừng xưa đã khép em hãy ra đi

Tôi chưa bao giờ nhận mình là fan Trịnh, và tôi nghe bài hát này một cách tình cờ, biết đến nó một cách tình cờ. Đó là khi tôi đang thả mình vào những ý nghĩ về nhân quả luân hồi. Đó là khi tôi đang muốn mình sống thiền và chiêm nghiệm về cuộc đời này. Tôi chẳng phải Tất đạt đa mong cầu giải thoát, cũng chẳng phải người muốn được vãng sinh trong những cõi giới cao siêu. Và tôi tìm thấy ở Trịnh sự siêu thoát trong hiện tại, cái mà mỗi người nên làm, nếu muốn có được sự thanh thản và hạnh phúc.
Tiền kiếp ở đâu, tiền kiếp là cái đã qua rồi, có thể chỉ là một phút trước đây, một giây trước đây. Vạn vật đều thay đổi từng giây phút, sau một giây thôi, ta của giây này đâu có phải là ta của giây trước, lại càng không phải là ta của giây sau. Biết bao nhiêu tế bào đã sinh ra rồi tận diệt chỉ trong vòng một giây ngắn ngủi, biết bao nhiêu ý nghĩ đã sinh ra rồi mất đi chỉ trong có một giây…Con người, với nỗi buồn giận, với lòng ai oán, thích giam mình trong quá khứ, để nhấm nháp cái đắng nghẹn lòng. Chẳng cần thật sự có một cọng buồn yếu mềm và đơn lẻ, chẳng cần có một rừng chiều mưa ảm đạm bủa vây… chỉ cần một cõi buồn trong trái tim đã đủ tạo nên một rừng thu ảo não đang tàn tạ trong từng giây phút. Cõi buồn mênh mang hơn theo từng suy nghĩ, con người nhỏ bé hơn; cõi buồn ủ dột hơn theo từng giọt mặn, con người tàn tạ hơn.
Một điều kì lạ, ấy là khi buồn, người ta biết không nên buồn, người ta biết đó là liều độc dược, nhưng vẫn giam mình trong nỗi buồn của mình, chẳng để làm gì khác ngoài việc suy tư về nó, và lại càng làm mình buồn hơn; và càng buồn, thì lại càng mất đi nghị lực để bước ra. Người ta ngắm nghía nỗi buồn, tưởng nó là đồ vật đẹp-dân nghệ sĩ hay mắc cái bệnh này, hoặc giả dù cũng biết nó không đẹp, nhưng cái tính tham trong con người cũng chẳng cho họ vứt đi. Nỗi buồn đó, có phải là mình không ?!? nó thuộc về quá khứ, về tiền kiếp rồi, nó đã từng có ở ta, nhưng ta có thể chấm dứt nó vì vạn sự vô thường, cái gì đến rồi cũng sẽ phải đi; thứ duy nhất làm nó ở lại, là ta tưởng nó là ta, ta biến quá khứ thành hiện tại, ta tự giam mình trong cõi mê mờ. Ta khóc với nỗi buồn quá khứ, ta cô đơn với nỗi buồn quá khứ, ta hát, ta gào thét, ta suy tư… trong khi cuộc sống ở bên ngoài từng giây vẫn trôi qua. Nếu quá khứ mà níu lại được, thì hẳn con người đã sống khác bây giờ. Nhưng đó là điều không tưởng.
Khi ta giam mình trong rừng lạnh, ta biết ta đang cô đơn, đang lẻ loi, đang rầu rĩ, nhưng không thể biết ngoài khu rừng kia có con người, có cuộc sống đang vẫy gọi, đang khẩn cầu ta quay lại. Sao phải nếm đi nếm lại vị mật đắng trong khi ta có quyền và có điều kiện để được nhâm nhi mật ngọt. Sống từng phút với hiện kiếp, hạnh phúc và đau khổ từng phút giây với hiện tại; dũng cảm và kéo mình ra khỏi quá khứ.
Sao khi chuyển kiếp người ta phải quên đi những gì đã xảy ra, biết đâu khi biết được tiền kiếp của mình đã đau khổ, đã sung sướng do duyên nghiệp nào thì người ta sẽ sống tốt hơn, tinh tấn tu tỉnh hơn chứ ! Nhưng con người, với những luồng nghĩ suy nhiều thù hận, có đáng để được sống với quá khứ không, hay phát điên lên vì quá nhiều ân oán. Ta không phải vị thánh để có thể thản nhiên nhìn lại mình, đầu óc ta đầy phán xét. Ta phán xét mình, ta phán xét người, rồi dằn vặt nhau trong cái mớ bòng bong nào duyên nào nghiệp. Tự hỏi lại đi, trong “tiền kiếp”, hiện kiếp và cả những kiếp sống tương lai, liệu có gì ta không thể làm, liệu có người nào là bạn, hay là thù mãi mãi ? Ta có thể đã hoặc sẽ là một kẻ điên, có thể đã hoặc sẽ là tên giết người, có thể đã hoặc sẽ là kẻ phụ bạc, có thể đã hoặc sẽ là tên bán nước, có thể đã hoặc sẽ là kẻ tham ô, có thể đã hoặc sẽ mang một căn bệnh vô phương cứu chữa, ai thấy cũng phải sợ hãi tránh xa…, ta khác gì hơn so với cõi người này? Cứ nghĩ đi, rồi sẽ thấy cái ta cũng đáng ghê đáng tởm. Với đa số người đang sống, cái ta là cái đáng yêu quý nhất, nhưng xem lại xem đi, nó làm được những gì; và xem lại thử xem, có đáng không khi mình nâng niu cưng chiều, dành cho nó hẳn một cõi giới riêng, tách biệt với cuộc đời. Trong vòng luân hồi sinh tử, một kiếp người bất quá trăm năm, so với sự vô thuỷ vô chung, thì bất quá chỉ là tích tắc bé nhỏ so với cả năm dài. Vậy đó, tập quên đi, như mình đã ăn cháo lú cả triệu lần triệu kiếp.
Hãy cảm nhận từng hơi thở của mình, hãy theo dõi từng ý nghĩ của mình, hãy ghi nhận từng hành động của mình, ở đây , ngay lúc này, hiện tại… Thiền ngay bây giờ, ngay trong từng hơi thở. Chỗ của tâm ta, không phải ở cõi riêng nào, mà là an trú trong hiện tại. Hạnh phúc, đơn giản là rời khỏi cõi mê, về với thực tại, để trái tim và trí óc được nghỉ ngơi. Tự khép lại khu rừng của ngày xưa, nó sao xứng đáng cho một mùa xuân rực rỡ.

Tuấn mập này, không biết Phương hiểu thế có đúng không? Thiền là ở đây, trong từng hơi thở.

Powered by ScribeFire.

Tags:

Responses to “Rừng xưa đã khép – Trịnh Công Sơn”

  1. Lê Minh Phúc

    Thử Phân tích nhạc phẩm “Rừng xưa đã khép” của Tcs

    — Lê Minh Phúc —
    Email: Leminhphuc0309@yahoo.com

    Tôi chỉ là lớp người hậu thế, tiếp bước các bậc tiền bối đi trước đã và đang đốt cháy ngọn lửa vĩnh cửu mang tên Trịnh Công Sơn, phải nói rằng người nhạc sỹ tài hoa này có nhiều tín đồ, trong suốt hàng chục năm qua không biết bao nhiêu triệu trái tim, bao nhiêu thế hệ người lắng đọng những tình ca bất tử của ông.

    Có rất nhiều ca khúc của Tcs nghe xong dù bạn là người có độ cảm thụ âm nhạc cao cũng khó lòng mà hiểu hết những điều Tcs gửi gắm cho nhân loài. Lấy ví dụ điển hình như ca khúc “Rừng xưa đã khép”. Đây là một nhạc phẩm mà quá đỗi quen thuộc cho những ai biết ít nhiều về nhạc Trịnh, tuy nhiên để hiểu hết ca từ mà Tcs đã sử dụng trong bài quả là không dễ.

    Ngày đầu khi nghe ca khúc này tôi đã hỏi ý kiến rất nhiều người yêu nhạc Trịnh, sủ dụng các bộ máy tìm kiếm trên mạng Internet, vào các diễn đàn lớn chuyên về nhạc Trịnh hay la cà vào các ngóc ngách trong các website về Trịnh Công Sơn tuy nhiên kết quả thu lại không đáng là bao..

    Với chút hiểu biết ít nhiều về Tcs, hôm nay tôi mạo muội viết lên những cảm tác của mình với nhạc phẩm “Rừng xưa đã khép”. Bài viết còn sơ sài, người viết không có khiếu truyền tải và dẫn nhập văn chương và hơn nữa thông tin mang tính nhận định chủ quan của bản thân nên không tránh sai sót. Mong chờ sự hồi âm từ phía độc giả.

    Tác phẩm “Rừng xưa đã khép” Tcs viết vào năm 1964 và đây là tác phẩm đầu tiên Tcs tặng riêng cho Khánh Ly.

    Lật lại trang sử về Tcs những năm 64

    Những năm 1962 – 1964, để tránh đi quân dịch, Trịnh Công Sơn rời Huế thi vào trường Sư phạm Quy Nhơn, và học trong hai năm. Ở thành phố biển xinh đẹp này, Trịnh đã sáng tác một loạt bản tình ca nổi tiếng như “Biển nhớ”, “Nhìn những mùa thu đi”, “Nắng thủy tinh”, “Chiều một mình qua phố”, “Dã tràng ca”, “Cát bụi”…, gây kinh ngạc và sự thán phục cho công chúng.

    Sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm Quy Nhơn, Trịnh Công Sơn được bổ lên dạy học ở Bảo Lộc. Và Trịnh đã gặp Khánh Ly với cái tên Lệ Mai ở phòng trà Tulipe Rouge, Đà Lạt. Thế là “nên duyên”. Nhạc Trịnh Công Sơn bắt nguồn từ triết học hiện sinh và tư tưởng Phật học, nhưng lại chọn riêng một người tình để gửi – đó là Khánh Ly. Trịnh nghe Khánh Ly hát, nhận ra ngay giọng hát của cô ca sĩ này phù hợp với những bản nhạc tâm thức của mình. Trịnh Công Sơn kể: “Gặp gỡ ca sĩ Khánh Ly là một may mắn tình cờ, không phải riêng cho tôi mà còn cho cả Khánh Ly”. Đó là sự gặp gỡ định mệnh.

    Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô

    “ Tiền kiếp” sự ám chỉ về một sự sắp đặt của “kiếp trước”? Vào năm 64 Tcs Khánh Ly vẫn chưa hát nhạc Trịnh và chẳng có chút tiếng tăm nào trong giới nghệ sỹ đương thời, Vậy mà Tcs đã linh cảm được sự sắp đặt của một sức mạnh siêu linh hay một chiêm nghiệm nào đó gắn chặt hai người trong cõi đời này.
    Ta thấy em đang ngồi khóc khi rừng chiều đổ mưa

    Dạo đó Tcs vẫn thường thấy Khánh Ly thường ngồi thả hồn mình trước đồi sân Cù ở Đà Lạt để khóc, để hát cho sự mất mát của mình, cho phận người lẻ loi, đơn chiếc. Những buổi chiều nằm trên đồi sân Cù Đà Lạt, khóc một mình. Tất cả chợt sống lại hay đúng hơn, ở một lúc nào đó Khánh Ly đã rơi vào cơn tuyệt vọng cùng cực của cuộc sống.

    Rừng thu lá úa em vẫn chưa về
    Rừng đông cuốn gió em đứng bơ vơ

    Ta thấy em trong tiền kiếp với mặt trời lẻ loi
    Ta thấy em đang ngồi hát khi rừng về nhiều mây
    Rừng thu thay lá mưa bay buồn rầu
    Rừng đông buốt giá mưa bay dạt dào

    Vậy đấy, Tcs đến với Khánh Ly như vậy, nồng nàn, thi vị đi với sự rộng lượng, bao dung.

    Ta vẫn mong ta chờ mãi trên từng ngày quạnh hiu
    Có lẽ câu này Tcs mong muốn Khánh Ly về hát cho mình. Thời điểm bây giờ Khánh Ly vẫn chưa sẵn sàng xa Đà Lạt mộng mơ để đến với xứ phồn hoa náo nhiệt của đô thị Sài Gòn.

    Ta vẫn mong em về đây cho đời đầy cuộc vui
    “Về” ở đây phải chăng là ước mong gắn kết hai nửa cuộc đời thành một?

    Mùa xuân đã đến em hãy quay về
    Rừng xưa đã khép em hãy ra đi

    Em hãy ra đi? Ý Tcs muốn Khánh Ly rời đất Đà Lạt để đến với một thế giới khác, một thế giới mà nước mắt và sự buồn tủi cũng vơi đi ít nhiều, đó là xứ sở của các nghệ sỹ – thế giới cũa những ca từ lắng vọng nhân sinh…

  2. Lê Minh Phúc

    Xem chi tiết thêm tại
    http://leminhphuc.multiply.com

    – Tổng hợp các hình ảnh, bút tích, các bản nhạc, bản phổ nhạc cho Guitar, piano..
    – Tổng hợp các bài viết, tự sự, các bài phỏng vấn đặc sắc trên các tạp chí và diễn đàn Trịnh Công Sơn, cảm nhận, phân tích nhạc Trịnh Công Sơn..
    – Tổng hợp đầy đủ các Album của Khánh Ly, Trịnh Vĩnh Trinh, Hồng Nhung, Quang Dũng, Thái Hòa, Tuấn NGọc, Lệ Thu, Lệ Thủy hát nhạc Trịnh
    – Tổng hợp các DVD, VCD tưởng nhớ cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn

    ID: :Leminhphuc0309
    Tel: 0977 886 6678

Leave a reply to Lê Minh Phúc Cancel reply